Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin điện tử xã Yên Phong, Huyện Yên Định như thế nào?
174 người đã bình chọn
406 người đang online

Truyền thống, lịch sử văn hóa xã Yên Phong

100%

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG XÃ

Yên Định là vùng đất cổ được hình thành từ lâu đời, được định danh khá sớm trong lịch sử. Thời kỳ nước Văn Lang, huyện Yên Định thuộc quận Cửu Chân, đén thời lê Thánh Tông huyện Yên Định thuộc phủ Thiệu Thiên, thời nguyễn, năm Minh Mạng thứ 12 (1831) Thanh Hóa lúc này còn gọi là trần Thanh Hoa đến năm Thiệu tri thứ nhất (1841) đổi thành tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa thời Nguyễn gồm 4 phủ, 20 huyện châu trong đó có phủ thiệu thiên, vùng Yên Định thời kỳ này thuộc phủ thiện thiên .

Theo sách: “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX ” (Gồm các tỉnh từ nghệ Tĩnh trở ra) Được viện Hán Nôm biên dịch từ cuốn: “Các xã tổng Trấn danh bị lãn” viết vào những năm 1810-1819. Theo sách này, các làng của Yên Phong thuộc hai tổng của huyện Yên Định, phủ thiệu thiên dó là: Làng Tam Đa ( Bạch Đa), làng Lý Nhân thuộc tổng Bái Châu; Làng Phượng Lai, Thị Thư thuộc tổng Trịnh Xá.

Năm 1858 thực dân Pháp xân lược nước ta. đến năm 1884, triều đình nahf Nguyễn ký hàng ước với thực dân Pháp. để thiết lập bộ máy cai trị thực dân pháp cho điều chỉnh lại địa giới hành chính ở cấp huyện và cấp tỉnh năm (1885- 1888), thôn lý nhân và thôn Bạch Đa thuộc xã hương Thị

Cách nạng Tháng 8 năm 1945 thành công, cấp tổng được xóa bỏ, Các thôn xã vui mừng, phấn khởi từng bước được sáp nhập.

Tháng 02 năm 1947, thực hiện chỉ thị của tỉnh Thanh Hóa và được sự chỉ đạo của ủy ban kháng chiến hành, xã an TháI cùng vớ xã Yên Phong (Gồm các làng: Lý Nhân, Tam Đa, Phượng Lai, làng Thị Thư) và làng Thạc Quả (Làng Kiểu-xã Yên Trường) hình thành nên xã Long Sơn .

Cưới năm 1953, 3 thôn phù hưng Lê Xá, Mỹ Bi được tách ra thành xã Yên Thái: Thôn Thạch Quả được tách về xã Yên Trường: các thôn Lý Nhân, Tam Đa, Phượng Lai, Và Thị Thư hợp thành xã Yên Phong.

Năm 2000, Làng Tân Phong được thành lập. Như vậy, từ năm 2000 đến nay, xã Yên phong có 5 làng gồm: Làng Lý Nhân, Làng Tam Đa, Làng Phượng Lai, làng Thị Thư và làng Tân Phong. Trong đó xã Yên Phong có 1 di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh đó là Nghè làng Thị Thư và ngôi chùa Bồ Đề đang được hoàng thiện.

Lịch sử di tích nghè

Làng Thị Thư là 1 trong 5 làng của xã Yên Phong . Làng Thị Thư được hình thành vào thế kỷ XV trước đây, Làng có tên gọi là Ô Mễ Tiền- một làng có đất đai màu mỡ, nhân dân sống chan hòa, yên vui, vào thế kỷ XIV, sau khi vua Nguyễn ánh lê ngôi, năm 1804 ông cho ban chỉ tên làng xã Việt Nam . Từ đó, Ô Mễ Tiền được đổi tên làng Thị Thư, tên làng Thị Thư được xuất hiện và sửa dụng từ đó cho tới ngày nay, Thị có nghĩa là nhãn-ý nói con mắt, còn Thư nghĩa là “sách” . Tên làng có hàm ý nói đến làm người phảI chăm chỉ đọc sách, Đặc biệt trong xã hội phong kiến với tư tưởng “Nhất sĩ, nhì nông..” việc nhân dân làng Thị Thư đề cao việc học tập là mưoons con em trong làng phấn đấu cho sự nghiệp học hành, đỗ đạt và làm quan.

Trước đây, làng Thị Thư có 5 họ đó là: Nguyễn Văn, Hoàng Văn, Phạm Viết, Thiều Quang và khương viết. Trải qua nghững năm tháng thăng Trầm cùng lịch sử, ngày nay, làng Thị thư gồm 2 thôn (Thôn8 và thôn 9) với 17 dòng họ .

Đặc điểm của làng Thị Thư đó là “Hữu điền vô địa”. Diện tích đất đai của làng trước đây chủ yếu là công điền, nằm rải rác ở 2 tổng, 8 làng, Làng chỉ có khoảng hơn 5 sào đất để làm nơI chôncaats người đã khuất, Làng Thị thư có duy nhất một con đường, bao quanh làng là những lũy tre làng.

Nhân dân làng Thị Thư từ xưa tới nay chủ yếu sống bằng nghề nông, ngoài ra, nhân dân trong làng còn phát triển nghề thợ nề...Trong giai đoạn hiện nay, một số ngành nghề dịch vụ được nhân dân đầu tư phát triển nhằm tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Về đời sống văn hóa tâm linh: Làng Thị Thư từ xưa có nghè thờ Thành Hoàng làng Đô Quốc Cao Công húy Quý Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương. Hiện nay, nghè còn lưu giữ những câu nói về Thành hoàng như sau; “Đô quốc đền Thần Cao công húy Quý. Vạn cổ anh linh nhất phương chúa tể. Hùng vĩ đặc đạt bảo hộ quốc dân, Dực bảo trung hương y cựu. Phương chính linh phù. Thượng Đẳng Phúc thần Đại Vương”. Ngài là võ tướng có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc Ai Lao và được vua sắc phong 2 lần . Tương truyền, mộ của Đô Quốc Cao công được đặt ở một khu đất linh thiên, xung quanh có nhiều cây to mọc um tùm. Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng 10 “Âm lịch”, nhân dân trong làng tổ chức tế, lễ nhằm tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghè của làng Thị Thư là nơI đóng quân của bộ đội và các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp về sơ tán ở Yên Phong. Hiện nay, nghè được xây dựng lại với quy mô ngôi nhà gỗ 3 gian cột to ( làm bằng gỗ mít) với nhiều họ tiết hoa văn tinh sảo. năm 2004, nghè làng Thị Thư đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Ngoài ra , làng Thị Thư còn có Phủ thờ Bà chúa thời hậu Lê (Con cháu vua Lê), Tương truyền, bà là người có công tậu rượng lập ấp, mộ dân, Hàng năm, cứ vào ngày 24 tháng 2 (Âm lịch) . Nhân dân trong làng và những địa phương khác đều nhớ đến và tổ chức lễ, tế nhằm tưởng nhớ công ơn của bà.

Lịch sử chùa B đề.

Theo quốc lộ 45, từ thành phố Thanh Hóa đến Km 35 là vùng đất thuộc xã Yên Phong huyện Yên Định. Thời Trần vùng đất này thuộc trang Ô Mễ, đến đời Lê đổi thành Phượng Lai. Đời Nguyễn, xã Phượng Lai thuộc tổng Trịnh Xá2. Nay thuộc xã Yên Phong huyện Yên Định3.

Ngày từ buổi đầu thành lập làng, các dòng họ như họ Phùng, Chu, Trịnh, Nguyễn, đã tích cực khai khẩn đất hoang, mở mang các nghề mới, con cháu ngày càng đông đúc. Các dòng họ khác cũng về đây sinh sống. Trong cuộc sống, ngoài nhu cầu sản xuất ra cái ăn cái mặc cũng không thể thiếu nhu cầu văn hóa tâm linh. Trải qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn khi Tam giáo (Nho, Phật, Lão) đều phát triển mạnh, nhân dân Phượng Lai đã xây dựng được nhiều công trình văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của mình. Từ đây các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh như: Chùa Bồ Đề thờ Tam giáo, đền Thần Nông, Đình Môn, Nghè thờ phúc thần Trương Công Mỹ, Văn Miếu thờ Khổng Tử, Vũ Miếu thờ những người có công trong việc giữ làng, giữ nước … đã được xây dựng.

Trong các công trình văn hóa ấy, có chùa Bồ Đề là để lại trong lòng người dân Phượng Lai xưa, xã Yên Phong ngày nay nhiều ấn tượng và hoài niệm nhất. Chùa Bồ Đề được xây dựng ngay ở đầu làng, mặt ngoảnh hướng Tây Nam, nức tiếng là chốn linh thiêng, được nhân dân trong vùng hết lòng ái mộ. Sự linh thiêng của chùa đã đi vào tâm linh của nhân dân trong vùng, cho nên làng Phượng Lai có thời kì được gọi tên theo tên chùa là làng Bồ Đề.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 1960 – 1961, do yêu cầu của thời cuộc, một số di tích đình, chùa, công trình văn hóa tâm linh trong làng, xã được tháo dỡ để lấy nguyên vật liệu phục vụ cho các công việc khác, chùa Bồ Đề cũng nằm trong số đó. Ngày nay các hiện vật của chùa như tượng pháp, chuông đồng, …đã bị thất tán, mai một, chỉ còn lại duy nhất nền móng cũ của chùa, hiện đang bị vùi lấp dưới chân đê sông Mã . Và một vài tảng đá, gạch vở .

Tra cứu sử sách, chưa tìm thấy ghi chép về chùa Bồ Đề ( do chế độ phong kiến và biến động của chiến tranh, và các cuộc cách mạng văn hóa ) Nhưng theo các cụ cao niên trong làng cho biết chùa được xây dựng từ thời Trần. Theo lời kể các cụ đã cho chúng ta những thông tin tương đối hoàn chỉnh về chùa Bồ Đề như sau:

Chùa được xây dựng 2 lần:

- Lần thứ nhất, xây dựng vào thời nhà Trần. Chùa được kiến trúc theo lối chữ nhất (-), gồm 5 gian.

- Lần thứ hai, vào khoảng những năm 1930, lần này xây dựng thêm 3 gian nối vào phía sau chùa. Mở rộng sân, xây dựng thêm bức bình phong, hòn giả sơn ở trước sân. 3 gian mới xây dựng này trở thành Hậu cung của chùa. 5 gian nhà thờ cũ trở thành nhà Tiền tế. Toàn bộ tượng pháp đều được chuyển vào an trí ở Hậu cung. Như vậy qua 2 lần xây dựng và sửa sang, chùa Bồ Đề có kiến trúc theo lối chữ nhị (= ).

Cũng qua lời kể của các cụ cao niên, những người đã chứng kiến sự tồn tại của chùa Bồ Đề, chúng ta có thể biết một cách tương đối rõ về quy mô kiến trúc xưa của chùa. Một ngôi chùa bề thế rộng rãi, bao gồm 5 gian nhà Tiền đường và 3 gian nhà Hậu cung.

Tiền đường 5 gian, 4 mái với 4 hàng cột lim uy nghi. Các vì kèo đều được làm theo lối chồng rường, kẻ bẩy. Trên đó vẫn còn nhiều mảng hoa văn họa tiết điêu khắc truyền thống. Gian Tiền đường không bài trí tượng và ban thờ, chỉ có tượng vẽ ông Thiện và ông Ác đứng hộ pháp hai bên. Đi qua một khoảng sân hẹp (khoảng 3m), hai bên là hai nhà Giải vũ ngắn thì đến nhà Hậu cung, vì công trình này mới được xây dựng gần đây nên nên kiểu xây dựng tương đối đơn giản, tường xây gạch trát vữa, mái lợp ngói mũi hài. Chính giữa gian hậu cung có một bức đại tự lớn đề 3 chữ “Bồ Đề tự”.

Về bài trí tượng pháp của chùa, đại khái có thể mô tả được như sau:

Lớp đầu tiên là toà Cửu Long – Thích Ca sơ sinh, bao quanh Đức Phật là 9 con rồng uốn khúc châu đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật. Toà Cửu Long và 9 con rồng được tạo tác trên phiến gỗ liền khối với kỹ thuật chạm thủng và những nét hoa văn hết sức điêu luyện.

Lớp thứ hai thờ Ngọc Hoàng đại đế ngồi giữa, bên trái là tượng Nam Tào trông coi việc sinh, bên phải là tượng Bắc Đẩu tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ trông coi việc tử cho nhân gian.

Lớp thứ ba là tượng Tam thánh gồm Đức Phật Thích Ca ngồi giữa, Văn Thù bên trái và Phổ Hiền bên phải

Lớp thứ tư là 3 pho Tam Thế, được tạo tác theo lối tượng phù điêu bằng gỗ đời Trần.

Khi tìm hiểu về lịch sử của chùa Bồ Đề, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các di tích lân cận, đặc biệt là khi tìm hiểu về chùa Hồng Ân4 (Linh Cảnh tự hay còn gọi là chùa Kiểu) và các di tích thờ Phò mã Đô úy Trương Công Mỹ. Từ đây đã gợi mở cho chúng ta những thông tin vô cùng quý giá về niên đại của chùa Bồ Đề. Thần phả về Phò mã Đô úy Trương Công Mỹ5 có đoạn ghi rằng: “Vua Trần Thái Tông có một vị công chúa tên là Bạch Mã, năm đó nàng 21 tuổi đi thuyền du ngoạn lên miền thượng lưu sông Mã. Khi thuyền đi qua đoạn từ chùa Bồ Đề ở trang Ô Mễ đến chùa Linh Cảnh ở trang Hoa Quả thì cảnh vật ở đây thực sự đã cuốn hút tâm trí nàng. Lại gặp dịp lễ hội đầu xuân, các trò chơi dân gian như: đua thuyền, đấu vật, kéo co,… đã làm say đắm lòng nàng. Ở tại nơi đây nàng đã gặp chàng thư sinh họ Trương, nhận thấy đây là một bậc anh tài, chí khí phi phàm. Nàng liền cho người dò hỏi gốc tích. Sau khi biết đây là một chàng trai có tài văn võ hơn người. Nàng đem lòng ái mộ và quyết định cho neo thuyền nghỉ lại chùa Linh Cảnh để tìm cách tiếp xúc với chàng… Về đến triều đình công chúa Bạch Mã đem việc này tâu lên nhà vua cha. Nhà vua ưng thuận cho người mời Trương Công Mỹ về triều, tác thành cho họ nên duyên vợ chồng. Được ban cho các trang Ô Mễ, Hoa Quả và một số trang, ấp lân cận làm thực ấp… Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta (1258), ông bà cùng với nhân dân trong vùng hưởng ứng, tiếp sức với triều đình đánh tan giặc Nguyên Mông. Khi đoàn quân ca khúc khải hoàn, khi trở về đến ghềnh Kiểu tự nhiên trời nổi gió mưa mờ mịt, rồi thuyền của ông bà bị hút vào hang sâu mất tích, hôm ấy là ngày 10 tháng 1 năm 1259. Nhân dân trong vùng nơi thì với được mũ, nơi vớt được áo, riêng trang Ô Mễ vớt được đôi hài. Nhận được tin dữ, vua Trần lệnh cho trang Hoa Quả, Ô Mễ và các trang ấp lân cận lập đền thờ họ”. Làng Phượng Lai ngày nay vẫn còn đền thờ phụng thờ họ và coi họ là Phúc thần – Thành hoàng của làng. Nếu những thông tin trong bản thần tích này là chính xác thì đây là một trong những chứng cứ để chúng ta suy đoán chùa được xây dựng vào thời Trần, cụ thể là được xây dựng trước những năm 1258.

Hiện nay chưa tìm được sử liệu cũng như văn bia hay một tài liệu đáng tin cậy nào khác để khẳng định chính xác về thời gian chùa được xây dựng. Cũng không còn hiện vật để khảo cứu. Những theo lời kể của các cụ cao niên trong làng về hình dáng của hệ thống tượng pháp, cũng như cách bài trí thờ, có lẽ chùa Bồ Đề được xây dựng lần đầu tiên vào thời Trần.

Giả thuyết này xuất phát từ việc phân tích hệ thống tượng pháp, chúng ta biết rằng, thời đại Lí – Trần là thời kì Tam giáo đồng nguyên, nên các chùa được xây dựng trong thời kì này luôn được bài trí thờ theo hệ thống Tam giáo, các tượng thờ trong Phật giáo luôn được thờ cùng với tượng của các vị thần trong Đạo Lão là Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thổ địa,… Hệ thống tượng thờ, đặc biệt là 3 pho Tam thế được điêu khắc trên chất liệu gỗ theo dạng phù điêu cũng là một gợi mở đáng chú ý về niên đại của chùa.

Tiếc rằng ngày nay chùa đã không còn, tượng pháp, chuông đồng, bia đá đã lưu lạc phương nào. Nhưng hình ảnh ngôi chùa vẫn còn lưu lại trong trí nhớ và hoài niệm của các cụ cao niên và nhân dân trong làng, trong xã . Hiện tại  còn lại nền móng của ngôi chùa đang ẩn sâu dưới lòng đất, dưới chân đê sông Mã và một số hiện vật, đá tảng chân cột, gạch. Chúng ta chưa còn đủ những chứng cứ, những công trình, những hiện vật xác thực tin cậy để xác định chính xác về niên đại của chùa . Nhưng chúng ta có nhưng chứng sống đó là các cụ cao niên đã cung cấp tư liệu và nền móng của ngôi chùa đang ẩn dưới chân đê

Ngày nay, con người chúng ta ngoài các nhu cầu về vật chất, tiện nghi cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng không thể thiếu nhu cầu văn hóa, tinh thần - tâm linh. Vì vậy trong những năm gần đây người dân Phượng Lai nói riêng, người dân xã Yên Phong nói chung đã chung vai góp sức “hằng tâm hằng sản” khôi phục lại các di tích của địa phương. Hy vọng rằng trong tương lai gần, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cùng với sự chung lòng góp sức của tín đồ Phật tử gần xa chùa Bồ Đề được khôi phục lại. Hy vọng rằng tiếng chuông lại ngân vang mỗi ngày như một lời nhắc nhở con người chúng ta ngày càng thêm yêu Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Chú thích:

1. Bài viết được hoàn thành thông qua các tư liệu, lời kể của các cụ:

1. Những ghi chép của cụ Trịnh Văn Liêm (cụ Sởi) 95 tuổi (đã mất)

2. Cụ Nguyễn Thị Tích, 98 tuổi, thôn 6 (ngõ Đình Hát)

3. Đại tá Nguyễn Đăng Trác 80 tuổi, thôn 6 (ngõ Me)

4. Cụ Nguyễn Thiện Cảnh 85 tuổi, thôn 6 (ngõ Đình Hát)

5. Cụ Nguyễn Đăng Ngự 80 tuổi, thôn 7 (ngõ Ông)

6. Cụ Trịnh Xuân Liên 97 tuổi, thôn 6

7. Cụ Lê Huy Chữ 78 tuổi, làng Tam Đa

8. Nhà giáo Nguyễn Thị Minh – tác giả tập sách Làng Phượng Lai xưa và nay (2013).

9. Cụ Nguyễn Đăng Hải, thôn 6

10.Cụ Hoàng Văn Túc, thôn 6

11. Cụ Phạm viết Xy, thôn 6

12. Cụ Thiều Quang Đớn 94 tuổi thôn 9

2. Sách Đồng Khánh địa dư chí, trang 1109. Ấn bản điện tử

3. Xã Yên Phong hiện nay có 5 làng gồm: Phượng Lai, Tam Đa, Lí Nhân, Thị Thư và Tân Phong.

4. ThS. Trịnh Quốc Tuấn, Chùa Hồng Ân – Chùa Xứ Thanh tập II (2010) trang 85 sđd.

5. Thần tích Đại vương Trương Công Mỹ và công chúa Bạch Mã. Bản chữ Hán do Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn.

                                                                                                                                                                                                                

                                                                                                                                       Thực hiện: Ban văn hoa

 

 

 

 

 

°